Dệt 7
Yahoo support  |  Hotline: 028.38425372

Khách hàng

  • Dệt 7
    Dệt 7
    Dệt 7
    Dệt 7
    Dệt 7
    Dệt 7
  • Dệt 7
    Dệt 7
    Dệt 7
    Dệt 7
    Dệt 7

Đối tác

Hỗ trợ trực tuyến

Báo chí

Những sản phẩm dệt may mang thương hiệu Tegaco. 7

Cập nhật ngày: 05/10/2013 - 9:23

(QĐND)- Mấy năm gần đây, suy thoái kinh tế thế giới đã có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến nước ta, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thậm chí thua lỗ. Thế nhưng, do đầu tư đúng hướng và có nhiều cách làm sáng tạo, mang tính đột phá nên hiệu quả SXKD của Công ty Dệt May 7 luôn giữ vững và tăng trưởng cao. Hiện nay, các sản phẩm dệt may của Công ty mang thương hiệu Tegaco.7 được nhiều khách hàng trong và ngoài quân đội ưa chuộng. Tuy nhiên, để có được thành quả như ngày hôm nay, Công ty cũng phải trải qua không ít thăng trầm.
 

Dây chuyền sản xuất quân phục dã chiến của Công ty

 

15 năm thăng trầm và 5 năm tăng tốc

Một ngày cuối năm Tân Mão, chúng tôi tìm đến Công ty Dệt May 7 (Quân khu 7) để tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển và hoạt động SXKD của Công ty. Tiếp chúng tôi trong khu nhà điều hành khang trang, rộng rãi vừa mới hoàn thành, Đại tá Cao Xuân Minh, Giám đốc Công ty cho biết: Tiền thân của Công ty là Xí nghiệp P7, trực thuộc Cục Hậu cần Quân khu. ý tưởng thành lập Xí nghiệp bắt nguồn từ một số cổ đông có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực dệt may đã đứng ra xin cấp phép và tổ chức SXKD, nhằm góp phần cải thiện một phần đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đơn vị. Thời điểm đó (1988), mặc dù quân đội ta đã có một số xí nghiệp chuyên sản xuất và bảo đảm quân trang nhưng năng lực còn thấp, không đáp ứng đủ yêu cầu. Nhiều năm liền, Tổng cục Hậu cần (TCHC) phải đặt hàng bên ngoài sản xuất, cung ứng. Để giải quyết tình trạng này, Thủ trưởng TCHC khi đó là Trung tướng Nguyễn Trọng Xuyên đã trực tiếp làm việc với Quân khu 7 và quyết định giao cho Xí nghiệp P7 lập đề án xây dựng nhà máy để đảm bảo một số nhu cầu về quân trang cho quân đội, đồng thời góp phần xây dựng tiềm lực hậu cần tại chỗ trên địa bàn chiến lược.

Hình ảnh khang trang của Công ty Dệt may 7 hôm nay.  Ảnh: DM7

Sau khi luận chứng đầu tư, mở rộng Xí nghiệp được Bộ Quốc phòng (BQP) thông qua, ngày 28/02/1992, Xí nghiệp quân trang Quân khu 7 được thành lập. Khi đó, do công nghệ lạc hậu, kinh nghiệm hạn chế nên SXKD gặp nhiều khó khăn, Xí nghiệp gần như không có lợi nhuận; nhiều thời điểm công nhân không có việc làm. Những năm 1996 -1997, tình hình được cải thiện nhưng ngay sau đó lại rơi vào khủng hoảng. Tình hình khó khăn kéo dài trong nhiều năm. Với quan điểm đổi mới để phát triển, từ 2007 đến nay, Công ty đã mạnh dạn đổi mới bộ máy quản lý, cung cách điều hành, đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại. Nhờ đó, kết quả SXKD tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Doanh thu năm 2006 đạt 100 tỷ đồng, năm 2011 tăng gấp hơn 3 lần, khoảng 335,4 tỷ đồng bằng 105% kế hoạch. Năm 2011, lợi nhuận đạt 25 tỷ đồng bằng 125% kế hoạch, thu nhập bình quân đạt khoảng 7 triệu/người/tháng. Với những thành tích đạt được, năm 2010, Công ty được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, năm 2011 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Bằng khen của Chính phủ, Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua 5 năm của BQP, cờ Đảng bộ Công ty vững mạnh tiêu biểu xuất sắc 5 năm (2005-2010), Bằng khen và Cúp Vàng đạt Top doanh nghiệp xuất sắc nhất giải thưởng Doanh nghiệp hội nhập và phát triển lần thứ IV năm 2010.

Công nghệ và con người: Không mới và mới

Hướng đột phá trong những năm qua của Công ty Dệt May 7 vẫn tập trung vào hai yếu tố then chốt là công nghệ và con người. Chủ trương này không phải là mới nhưng đạt hiệu quả cao vì Công ty có cách làm mới, phù hợp. Trong đổi mới công nghệ, quan điểm của lãnh đạo, Ban Giám đốc Công ty là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ và thiết thực. ở những khâu quan trọng phải ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thậm chí đi trước đón đầu.

Ngay sau khi nhận cương vị giám đốc, Đại tá Cao Xuân Minh đã trình Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu bản kế hoạch “Những việc cần làm ngay”, trong đó tập trung vào đổi mới công nghệ. Dự án đầu tư đổi mới thiết bị, với nhiều trang bị, máy móc hiện đại của Công ty đã được Bộ Tư lệnh Quân khu thông qua và cho phép triển khai thực hiện. Đây có thể coi là một trong những chìa khóa để Công ty phát triển như hôm nay. Theo đó, 5 năm qua, cùng với nguồn vốn của trên, Công ty đã đầu tư 100 tỷ đồng mua mới 62 máy dệt kiếm thay thế cho hệ thống máy dệt thoi đã cũ và lạc hậu; 5 máy nhuộm cao áp, 4 máy nhuộm hạ áp, các máy căng sấy định hình và hoàn tất, máy hấp và xử lý vải, bảo đảm phong phú mẫu mã, nâng cao năng suất, chất lượng quân trang và các sản phẩm dệt may.

Hình ảnh ngoại cảnh Công ty Dệt may 7. 

Cùng với việc đầu tư máy móc thiết bị, nguồn nhân lực và công nghệ tiên tiến, vấn đề xây dựng đoàn kết nội bộ, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và chăm lo đời sống người lao động cũng được lãnh đạo, chỉ huy Công ty hết sức coi trọng. Thiếu tá Nguyễn Đình Hòa, Trưởng phòng Tổ chức, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho rằng, để cán bộ, nhân viên và người lao động coi Công ty như ngôi nhà chung của mình, đòi hỏi người lãnh đạo, chỉ huy phải luôn sâu sát, gần gũi và chăm lo cho cấp dưới. Bản thân Giám đốc Cao Xuân Minh cũng thường xuyên xuống xưởng để kiểm tra, hướng dẫn động viên, người lao động. Chị Hồ Thị Mai Phượng, Giám đốc Xí nghiệp May xúc động khi nhắc lại sự quan tâm của Công ty đối với mình: Năm 2009, chị phải vào bệnh viện mổ cột sống đến 3 lần. Sức khỏe yếu, chị phải nghỉ việc dài ngày. Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn và anh chị em trong Công ty thường xuyên đến động viên, giúp đỡ chị cả vật chất và tinh thần, giúp chị vươn lên, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục trở lại vị trí công tác. Còn chị Nguyễn Thị Phương Thảo và Nguyễn Thị Ngọc Hoa, công nhân Công ty thì rất háo hức khi kể về các chuyến đi nghỉ 4 ngày ở Nha Trang do Công đoàn Công ty tổ chức. “Cả đoàn 600 người đi. Công ty thuê hẳn một chuyến tàu và 5 khách sạn để anh chị em nghỉ. Lãnh đạo cũng như công nhân đều ở khách sạn 3 sao. Trong chuyến đi, Công ty còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích như hội thi kỹ năng công đoàn, hội thi an toàn - vệ sinh viên, liên hoan văn nghệ, ga-la… Mỗi người đi còn được Công ty cho 5 triệu đồng để mua quà về cho gia đình. Sau mỗi chuyến đi ấy, chúng tôi càng thêm gắn bó và cảm thấy có trách nhiệm hơn với “ngôi nhà chung” của mình”.

Xí nghiệp may - Công ty Dệt may 7 luôn kín đơn hàng của các đơn vị trong và ngoài lực lượng vũ trang

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Đình Hòa, trong môi trường lao động như dệt may thì xây dựng tác phong công nghiệp cho công nhân là rất quan trọng. Đặc biệt công tác khen thưởng, xử phạt phải được kết hợp rất chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc. ở Công ty Dệt May 7, hàng tháng, hàng quý đều tổ chức bình bầu những tập thể, cá nhân có thành tích, hàng năm bình xét xếp loại A, B, C theo những tiêu chí cụ thể và được xét thưởng tương xứng. Riêng trường hợp bị xếp loại C thì không được thưởng. Tết vừa rồi, có cặp vợ chồng xếp loại A được thưởng tới gần 60 triệu đồng. Vì thế, công nhân rất phấn khởi, tự giác phấn đấu. Rất hiếm trường hợp vi phạm kỷ luật, bị xếp loại C… Nhờ SXKD đạt hiệu quả cao, Tết Nhâm Thìn 2012, Công ty quyết định thưởng cho cán bộ, công nhân và người lao động bình quân 24 triệu đồng/người và một suất quà trị giá 1,2 triệu đồng.

Những sản phẩm siêu tốc

Trong các sản phẩm của Công ty Dệt May 7 có những sản phẩm đặc biệt, được hoàn thành trong thời gian siêu ngắn, chỉ trong vài ngày. Ví như dịp chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng BQP sau khi đi kiểm tra đã yêu cầu phải thay trang phục của khối Cảnh sát Biển và chỉ thị trong 3 ngày phải hoàn thành. Lúc đó ngày Đại lễ đã cận kề. Lãnh đạo, chỉ huy Công ty đã huy động tối đa con người, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ này. Trên cơ sở các mẫu sáng tác đã được thông qua, Công ty đã tổ chức một dây chuyền sản xuất hoạt động hết công suất. Đúng thời gian quy định, sản phẩm đã hoàn thành, được Thủ trưởng Bộ thông qua. Cùng với trang phục Cảnh sát Biển, Công ty còn sản xuất quân trang cho khối Đặc công, Hải quân, Không quân, góp phần tôn thêm vẻ đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong Lễ diễu binh mừng Thủ đô ngàn năm tuổi.

 

In nhuộm vải quân phục tại Xí nghiệp Im nhuộm - Công ty Dệt may 7

Cũng vào những tháng cuối năm 2010, khi các tỉnh miền Bắc hứng chịu một đợt rét đậm kéo dài, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã có chuyến thị sát tại một số đơn vị ở biên giới phía Bắc. Thấy bộ đội khi đi tuần tra, canh gác, quần áo thường bị ướt do mưa nhiều, sương mù dày đặc, độ ẩm lớn, Bộ trưởng rất trăn trở và giao nhiệm vụ cho TCHC nghiên cứu sản xuất quân trang chống thấm nước phục vụ bộ đội. Lần này, Công ty Dệt May 7 lại được TCHC tin tưởng giao thực hiện nhiệm vụ. Trước yêu cầu chống rét cấp bách cho bộ đội, Công ty tập trung đội ngũ cán bộ kỹ thuật nghiên cứu, làm việc suốt ngày đêm, cả ngày nghỉ. Chỉ sau 10 ngày, Công ty đã sản xuất thành công loại vải chống thấm nước. Đây là công nghệ hoàn tất sau dệt, dùng chất thẩm thấu vào sợi vải, vừa chống thấm nước, vừa đảm bảo tính mềm mại, thoát mồ hôi, vệ sinh. Hiện nay, Công ty Dệt May 7 là doanh nghiệp duy nhất trong quân đội sản xuất thành công loại vải này. Sản phẩm ngay sau đó đã được cấp phát đến các đơn vị biên phòng, làm ấm lòng người chiến sĩ trong mùa đông băng giá.

 

Sở dĩ các sản phẩm ấy được hoàn thành trong thời gian rất ngắn như vậy là do trong quá trình phát triển, Công ty đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, biết phát huy tối đa năng lực nội sinh và có đội ngũ chuyên gia giỏi, nhiệt huyết. Họ tựa như “đội đặc nhiệm”, “phản ứng nhanh”, tiên phong giải quyết những nhiệm vụ khó và gấp - Đại tá Cao Xuân Minh bật mí.

Chúng tôi rời Công ty Dệt May 7 khi mặt trời đã ở đỉnh đầu. Nắng vàng lấp lánh trên những gương mặt rạng rỡ nụ cười vui của các cán bộ, công nhân Công ty đang trên đường đến nhà ăn. Bóng quân phục hòa lẫn các trang phục lao động trong ánh nắng vàng ươm ấy sao đẹp và gần gũi đến thế…

Bài và ảnh: Hoàng Tiến (báo QĐND)

 

 

05/10/2013
17324 lượt xem
Thẻ bài viết: sản phẩm dệt may,
Chia sẻ bài viết: Dệt 7 Dệt 7

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN CHO BÀI VIẾT